Tôi nghĩ mình sẽ viết một kết thúc nghiệt ngã hơn
Bài phỏng vấn Miura của Yyukari Ffujimoto (năm 2000): "Tôi không nghĩ mình sẽ viết một kết thúc nghiệt ngã hơn nữa cho một câu chuyện vốn đã đầy đau khổ như Berserk"
“Đây là bài phỏng vấn Kentarou Miura của Yukari Fujimoto, một cây viết /giáo sư nghiên cứu giới và manga shoujo chuyên nghiệp. Nó khá cũ, được ra mắt chính thức vào tháng 9 năm 2000, ngay sau khi Berserk vừa xuất bản tập 20. Rất nhiều điều thú vị được đề cập trong bài phỏng vấn này: Miura nói về người bạn là hình mẫu đằng sau Griffith, việc ông bắt đầu sáng tác với ý tưởng về cốt truyện ban đầu rất mù mờ hay thế giới trong Berserk bị ảnh hưởng rất nhiều bởi đất nước ông sinh ra – Nhật Bản.
Tuy nhiên, đây chỉ là những trích đoạn đáng chú ý của bài phỏng vấn đó. Nó dài vãi đái và thực sự cần một thằng dở hơi cực chăm chỉ mới dịch hết được cái đống này – mà tôi lại chả đủ sức và cũng không có hứng thú nào với việc trở thành một thằng dở hơi, nên tạm thời thì cứ vậy đã.” - lời của mangabrog
Phóng viên: Lúc chị mới đọc Berserk ấy, chị nghĩ kiểu “Ồ, bộ này giống Violence Jack ghê!”. Đọc tiếp thì chị lại tự nhủ rằng “Ê, nó mang dáng dấp của Guin Saga nè!”. Và rồi khi đọc đến cái đoạn bọn quỷ bao vây Guts và liên hồi bảo anh ta thuộc về chúng, chị lại lẩm bẩm “Ơ kìa, tôi thấy Dororo ở đây!”. Đó chỉ là những suy nghĩ của cá nhân chị thôi, nên chị muốn bắt đầu cuộc phỏng vấn này bằng câu hỏi: Khi cậu bắt đầu sáng tác Berserk, cậu có chịu ảnh hưởng từ bất cứ bộ manga nào khác và mang ảnh hưởng ấy tới chính tác phẩm của mình không?
Miura: Nói gì thì nói, em cũng là một độc giả manga bình thường nữa. Có nhiều thứ đã truyền cảm hứng cho em, và em đã vay mượn nó một cách có chủ ý. Nhưng cũng có nhiều thứ bị vùi sâu trong tâm trí, để rồi một ngày đẹp trời thì chúng bật dậy một cách chẳng thể nào mà ngờ được. Dù là thứ được truyền cảm hứng hay tự thân sáng tạo thì suy cho cùng chúng vẫn đều là một phần của em rồi. Violence Jack và Guin Saga hiển nhiên là những tác phẩm em cực kỳ ưa thích, và trong đó thì Guin Saga có lẽ là tác phẩm ảnh hưởng sâu đậm hơn cả đến thế giới kỳ ảo mà em đã tạo nên. Có thể nói là em bị mắc kẹt trong bầu không khí mà Guin Saga đem tới, và thứ âm hưởng ấy giờ đã trở thành tiêu chuẩn cho thế giới quan của em, vậy nên em nghĩ rằng chị cảm thấy thế cũng là điều dễ hiểu mà thôi.
Phóng viên: Ồ, được rồi. Thế còn thanh kiếm thì sao? Nó là một trong những thứ làm nên thương hiệu của Guts. Có phải Violence Jack là nguồn cảm hứng trực tiếp cho nó không?
Miura: Thực ra em lấy cảm hứng từ bộ Pygmalio của Shinj Wada cơ. Ngoài ra, cũng nó cũng chịu ảnh hưởng từ The Snow Queen – một spin-off của Guin Saga, nơi có bức minh hoạ về một người khổng lồ cao tới hai đến ba mét đang cầm một thanh kiếm. Thanh kiếm của Guts là sản phẩm kết hợp từ hai thứ đó. Nó có kích cỡ vừa đủ để một người đàn ông lực lưỡng có thể cầm được, đồng thời gợi nên được cảm giác gần gũi với những ai thích đọc manga hành động . Tuy nhiên tạo hình của Guts cũng đã trải qua khá nhiều thay đổi - anh ấy đã từng có tóc dài, từng cầm katana.… Sau một khoảng thời gian vậy lộn suy nghĩ thì cuối cùng em đã quyết định thiết kế của Guts như hiện tại, và em hài lòng với thiết kế này. Thứ em phải làm tiếp theo là thấu hiểu được cảm giác vung một thanh kiếm lớn như vậy, rất khó để truyền tải thứ cảm giác dễ chịu khi đôi tay vút đi cùng lưỡi kiếm. Dù nghe thì có thể nghiêm trọng hoá quá vì rốt cuộc thì em cũng chỉ đang sáng tác manga mà thôi, nhưng em nghĩ khi đã nắm bắt được điều đó, em đã thực sự thở phào nhẹ nhõm.
Phỏng vấn: Chị không nghĩ cậu đươc truyền cảm hứng từ thanh kiếm trong Pygmalio đấy. Ý chị là, dù Kuruto (nhân vật chính của Pygmalio) có tạo hình là một chàng trai nhỏ bé nhưng dùng một thanh kiếm to lớn thật, song nét vẽ và thế giới trong manga của cậu lại hoàn toàn khác với Pygmalio. Thảo nào mà biên tập của cậu cũng từng nói rằng Berserk tồn tại những điều thú vị một cách quái đản. [cười]. Chẳng hạn như rõ ràng cậu có sử dụng Ranpo như tài liệu tham khảo trong quá trình vẽ. Giữa một rừng manga, ai lại nghĩ rằng Ranpo với Berserk có mối liên kết cơ chứ?
Miura: Nó thực sự thú vị đến thế ấy ạ? [Cười lớn]. Em tham khảo background của chúng thôi.
Phóng viên: Ồ, ra thế! Hợp lý hơn rồi đấy!
Miura: Vấn đề quan trọng hơn là khi bạn đơn thuần là một fan hâm mộ manga, không có ý định trở thành hoạ sĩ chuyên nghiệp thì bạn có thể chọn bất cứ bộ truyện tranh nào mà bạn thích trong vùng an toàn của mình. Tuy nhiên, khi trở thành một hoạ sĩ, chỉ sống trong vùng an toàn ấy thôi là không đủ. Bạn sẽ không thể thành mangaka giỏi nếu chỉ quanh đi quẩn lại sống trong những tác phẩm gần gũi, thưởng thức một bầu không khí quen thuộc. Do đó, có một thời gian em cố gắng đọc rộng nhất có thể - dĩ nhiên chẳng bao giờ em bao quát hết được mọi tác phẩm, song về cơ bản thì em đọc mọi thứ mà người ta gợi ý hoặc giới thiệu cho, đọc mọi đầu truyện nổi tiếng lúc bấy giờ, chỉ cần nó không gây quá nhiều khó chịu khi đọc là được.
Phóng viên: Cậu làm điều ấy cụ thể vào khoảng thời gian nào cơ?
Miura: Từ khi em học trung học cho đến khi em lên đại học. Em cố thử mọi loại sách truyện, manga lẫn phim ảnh…
Phóng viên: Nhưng ngay cả các mangaka đam mê nhất cũng không đi xa đến vậy đâu?
Miura: Thực ra bản thân em chỉ ngồi vẽ suốt ngày, kinh nghiệm sống rất hạn hẹp và cảm thấy tự ti khi nghĩ về điều ấy. Đó là lý do em bắt đầu nghĩ rằng mình chí ít nên cảm thụ nhiều thứ mà mọi người gợi ý cho nhất có thể.
Phóng viên: Khi nào thì cậu bắt đầu hài lòng với phong cách và nét vẽ của bản thân mình?
Miura: Nói về vấn đề vẽ ấy hở. Khi còn trẻ và trẩu, bọn em thường chép tranh của những người như Yoshikazu Yasuhiko hay Fujihiko Hosono và luyện vẽ theo phong cách manga. Chúng em hồi đó đã thực sự mê mẩn hội hoạ. Trong các tiết mỹ thuật, có rất nhiều thứ mà chúng em phải vẽ và em thường là đứa vẽ đẹp nhất, nhưng vẽ theo phong cách manga thì em lại không giỏi như thế. Do đó mà em muốn vẽ được theo kiểu của Fujihiko Hosono, nhưng mặt khác vẫn phải mài dũa khả năng vẽ theo trường phái hiện thực của mình. Em cũng muốn tạo nên một thế giới rộng lớn, phức tạp như như của Guin Saga và đồng thời cũng thích vẻ mau me be bét trong Violence Jack. Tất cả những điều đó hoà lẫn, giao thoa với nhau để nhào nặn và định hình nên phong cách hiện giờ của em.
Chị biết họ đã nói ở [TV Show] Manga Yawa rằng em vẽ rất tệ phải không? Họ đúng chuẩn rồi đấy. Ngay từ hồi trung học, em đã làm đủ mọi cách để có thể vừa giỏi khi vẽ theo phong cách hiện thực, vừa giỏi khi vẽ theo phong cách manga. Nếu chỉ vẽ một câu chuyện theo kiểu của “Bắc Đẩu Thần Quyền” (Fist of the North Star), em có thể hoàn toàn tập trung vào việc làm sao để vẽ cho đẹp là được. Nhưng tác phẩm của em cần phải mang tới cho người đọc âm hưởng của một bộ manga shojo, và chẳng thế nào em đạt được tiêu chuẩn ấy nếu chỉ vẽ theo phong cách của “Bắc Đẩu Thần Quyền”. Thế là em phải nỗ lực để cân bằng được hai yếu tố ấy. Sau một thời gian dài vật lộn, em đã có được phong cách vẽ như bây giờ, mặc dù rất có thể nó sẽ còn thay đổi trong tương lai.
Phóng viên: À, vậy là cậu luôn cố để truyền tải những nét nhẹ nhàng nhất định vào nét vẽ, cũng như vào cốt truyện. Cá nhân chị thực sự nghĩ rằng Berserk là một bộ manga shoujo, nhưng giờ chị hiểu rằng cậu sẽ không bất ngờ nếu nghe thấy nhận xét kiểu như thế phải không?
Miura: Em hiểu được ý kiến ấy. Manga shoujo là lãnh địa để truyền tải cảm xúc con người một cách mãnh liệt nhất, và với ý nghĩa đó, nó thường không dành cho độc giả nam. Manga cho nam giới thường có xu hướng được tạo ra nhằm chủ đích hướng đến việc có thể bán chạy, trong khi manga shoujo lại thường… mềm mại hơn. Em nhận ra đó không phải từ miêu tả chính xác cho lắm, nhưng dù sao thì ấy cũng có thể là điểm chung giữa em với manga shoujo.
Phóng viên: Cậu cũng mềm mại ư?
Miura: Ý em là ở khía cạnh bộc lộ xúc cảm, cảm xúc của em thường dẫn đầu, logic chỉ đến thứ hai, ngược với nhiều người khác.
Khi học trung học, em ở trong một nhóm bạn đều mơ ước sau này sẽ trở thành mangaka. Nhưng thực tế họ lại bỏ thời gian ra với bạn gái hay thường xuyên kiếm cớ đi tẩn nhau, nên nói đằng thẳng ra, họ chả phải otaku gì cả. Nên trong nhóm bạn ấy, em là thằng đam mê manga nhất. Vai vế trong nhóm của em giống như thể siêu nhân vàng ấy: sự trưởng thành về mặt cảm xúc khá què quặt nhưng lại nổi trội hơn ở một khía cạnh riêng mà ở đây là khả năng vẽ. Em rất lúng túng khi phải viết một câu chuyện thực sự khiến cho người đọc phải rung động, bởi em có ít kinh nghiệm sống.
Vì vậy, những điều các thành viên khác làm trong đời sống như cãi vã với bạn gái hay đánh nhau đều là những câu chuyện mới mẻ, thú vị với cá nhân em. Vả lại, có một thực tế là những người đam mê hội hoạ thường có xu hướng trở thành những cá nhân có cái tôi rất lớn do họ đã có sẵn một tài năng là vẽ vời. Nên mỗi khi người khác thể hiện được tài lẻ của mình, em cảm thấy bản thân cũng phải giỏi ở một điều gì đấy. Dĩ nhiên, vẽ là thứ duy nhất mà em giỏi, và vẽ cũng là cách duy nhất để em có thể bình đẳng với đám bạn của mình. Dấu ấn để em có thể thẳng lưng sánh bước cùng chúng bạn chính là hội hoạ. Tâm trí em luôn đeo đuổi những suy nghĩ ấy, và nó dần trở thành một nỗi ám ảnh đầy mê hoặc.
Phóng viên: Cái suy nghĩ buộc mình phải bình đẳng với người khác ấy có phải là phản chiếu của mối quan hệ giữa Guts và Griffith không?
Miura: Vâng, quả thật là như vậy. Em không rõ tụi trai trẻ thời nay thế nào, nhưng lui lại năm mười tám đôi mươi, những thằng nhóc tì chúng em hay bị ám ảnh bởi những thứ dạng như cậu bạn kia giỏi như thế nào hay nếu so với chúng nó thì mình đứng ở đâu… Với những chàng trai, tình bạn không đơn thuần chỉ là mối quan hệ vuốt ve để cùng nhau thấy an lòng. Đôi khi chúng sẽ nỗ lực để đập nát cái vẻ ngạo mạn của thằng bạn mình. Em sẽ thấy mình thật thảm hại nếu không thích nghi được với tình bạn kiểu thế, và dẫu có ganh đua thì khi ai đó tìm được mục tiêu để hướng đến thì bọn còn lại vẫn sẵn sàng ủng hộ hết mình mà thôi. Đó là cách Quân Đoàn Chim Ưng ra đời.
Phóng viên: Chị hiểu rồi – vậy, những ký ức thời trung học của cậu là nguồn cảm hứng lớn nhất để sinh thành nên câu chuyện trong Berserk.
Miura: Đúng thế. Em đã bắt đầu thử biến nhóm bạn ấy trở thành một băng đánh thuê từ lúc bắt đầu tốt nghiệp đại học lận.
Phóng viên: Và có thể thấy rằng rất nhiều trải nghiệm đời sống đã trở thành hình mẫu để cậu xây dựng nên một thế giới giả tưởng rộng lớn đến nhường này. Khi nào thì các ý tưởng bắt đầu nảy ra trong đầu cậu? Bao nhiêu kế hoạch đã được lên khi cậu bắt tay vào sáng tác?
Miura: Khi mới cầm bút, em hầu như không nghĩ gì và cũng chẳng biết mình sẽ đi xa đến đâu với câu chuyện này, ngay cả Quân Đoàn Chim Ưng cũng không hề được lên ý tưởng từ đầu. Bên cạnh hình tượng một kiếm sĩ đen săn đuổi quái vật, em nghĩ rằng nếu thêm yếu tố trả thù vào thì câu chuyện về lý do cầm kiếm của anh ta sẽ dễ truyền tải được hơn.
Phóng viên: Điều đó khá sát với phiên bản nguyên mẫu của câu chuyện (Berserk Prototype), nhưng so với khi đọc câu chuyện chính, chúng ta thấy có rất nhiều khác biệt tới từ Griffith cũng như các tông đồ hay God Hand. Có vẻ cậu đã nỗ lực thay đổi cái vũ trụ ấy rất nhiều trước khi bộ truyện chính thức ra mắt.
Miura: Nhìn thì có vẻ như vậy chứ đến tận tập 3 thì em vẫn chỉ có một định hướng duy nhất là câu chuyện sẽ xoay xung quanh nỗi giận dữ mà thôi. Để chuẩn bị cho tác phẩm này, em tự hỏi điều đầu tiên mình cần chú ý là gì, và rồi em quyết định rằng em sẽ khiến nhân vật phải đắm mình trong cơn tức giận. Rồi em phải nghĩ mình nên cho anh ấy giận dữ theo kiểu nào. Có rất nhiều cách để diễn tả cơn giận dữ - có kiểu giận dữ sôi sục và bùng nổ, song cũng có những kiểu giận dữ vô cảm, nơi mà mọi biểu cảm dường như tan biến hết. Sau đó em quyết định mình chỉ tập trung vào việc cố gắng diễn tả cơn giận dữ ấy thôi, và hy vọng khi sáng tác thì những ý tưởng sẽ tự tìm đến mình.
Vì thế, điều quan trọng là em cần tả được nỗi giận dữ của nhân vật ấy một cách độc đáo, chính điều này sẽ trực tiếp quyết định vận mệnh của bộ truyện – trở thành một bộ manga đáng xem, hay trở thành một tác phẩm nhàm chán. Tiếp đến là làm thế nào để thúc đẩy cơn tức giận được sinh ra trong Guts? Đáp án của câu hỏi này có thể khiến Guts trở thành giống một con quái vật vô nhân tính, nhưng cũng có thể khiến Guts chỉ là một con người đáng sợ đơn thuần mà thôi. Hồi God Hand mới xuất hiện thì vai trò của Griffith cũng chưa có quan trọng đến vậy.
Phóng viên: Thật chứ? Chị nghĩ cậu đã phải có suy tính riêng về Griffith ngay từ lúc bắt đầu chưa?
Miura: Đã có rất nhiều ý tưởng quẩn quanh trong tâm trí em, chúng cứ chồng chéo lên nhau và chỉ bắt đầu rõ ràng vào khoảng thời gian Berserk ở tập thứ 3. Trước hết, nếu Guts tức giận thì ắt nhiên cơn giận đó sẽ phải hướng đến một đối tượng nhất định nào đấy. Em tự hỏi bản thân rằng người ta thường giận dữ vì điều gì, cái chết của cha mẹ thường được nghĩ đến đầu tiên, nhưng như em đã nói, em là kiểu người rất trân trọng tình bạn nên ý tưởng để Guts hướng cơn giận dữ về một người bạn, hoặc chí ít là một người có độ tuổi tương đồng, tự dưng bật lên trong tâm trí em. Thế là em đưa một nhân vật kiểu như vậy vào, nhưng vẫn còn phải quyết xem lý do Guts tức giận là gì. Và vậy là lại có Quân Đoàn Chim Ưng, thứ được xây dựng từ chính những kỷ niệm tuổi học trò của em.
Phóng viên: Cũng có nghĩa rằng những ý tưởng ấy thực chất chỉ tự nhiên xuất hiện trong cậu?
Miura: Em không chắc liệu đây có phải một bài học kinh nghiệm cho người khác hay không, nhưng như em đã nói, khi đã chăm chỉ làm việc rồi thì nhiều lúc chỉ cần một khoảnh khắc thôi, tất cả mọi thứ sẽ bắt đầu ập đến theo đúng quỹ đạo. Bản thân em không giỏi trong việc lên kế hoạch, nhưng khi buông bút và thực sự nghĩ về bộ manga mà mình đang bắt tay vào thực hiện, em nghĩ ai cũng sẽ nghĩ ra được một điều gì đó thú vị mà thôi.
Phóng viên: Nghĩa là mọi thứ đều được kết nối bởi tiềm thức…
Miura: Và khi đào thật sâu vào trong tiềm thức, ta sẽ càng phát hiện được nhiều điều hơn, để rồi chúng sẽ kết nối với nhau thành một câu chuyện. Đây không phải điều mà ý thức có thể kiểm soát được.
Phóng viên: Quay lại chủ đề về cách Berserk hình thành, truyện có một trường đoạn hồi tưởng dài bắt đầu từ tập 3 kể lại về thời thơ ấu của Guts và con đường dẫn tới Nhật thực. Ít nhất cậu phải có ý niệm nào đó về trường đoạn ấy khi bắt đầu chắp bút chứ, hay là mọi thứ cũng chỉ “bật ra” như cậu đã nói?
Miura: Nói thật là em nghĩ nó cũng chỉ “bật ra” như thế thôi. Ban đầu thậm chí em không có chủ ý cho Guts và Casca đến với nhau – nhưng rồi em chợt nhận ra chi tiết này có thể khiến câu chuyện trở nên kịch tính hơn. Bây giờ, khi nhớ lại, tất cả những gì em thật sự chủ ý lên kế hoạch đó là Ưng Đoàn sẽ có khoảng năm nhân vật chính, và em sẽ khiến họ giống nhóm bạn năm người của em.
Phóng viên: Chị hiểu rồi – vậy năm người ấy là hình mẫu trực tiếp cho các nhân vật trong Band of the Falcon.
Miura: Chính vậy. Sự khác biệt duy nhất đó là không thực sự có Griffith hay Guts ở trong nhóm bạn của em. Có một người thực sự khá giống Judeau. Chúng em có một đứa giống Corkus, và cả Rickert. Tuy nhiên cũng không có Casca bởi đây là một nhóm toàn con trai chơi với nhau không à. Và rồi Pippin chính là em, xét về cả mặt ngoại hình.
Phóng viên: À, ra là thế.
Miura: Em khá chắc trong nhóm bạn ấy thì em có vai trò y hệt siêu nhân vàng. Em biết là nhiều hoạ sĩ manga có xu hướng lý tưởng hoá bản thân, nhưng sự thật là em sở hữu suy nghĩ giống như Guts và Griffth. Manga thú vị như thế đấy: thay vì máy móc áp thẳng hình mẫu vào manga, ta có thể tái sắp xếp các yếu tố của hình mẫu ấy, rồi kết hợp chúng vào với nhau thành đủ mọi loại nhân vật.
Phóng viên: Ý cậu là gì khi nói rằng cậu có suy nghĩ giống Guts và Griffith?
Miura: Chẳng hạn, về mảng manga thì em dẫn đầu và vẽ đẹp hơn bất kì ai trong nhóm bạn ấy, nhưng đồng thời em cũng rất muốn được như anh bạn thường đóng vai trưởng nhóm. Anh ta có những khả năng từa tựa như Griffith: là kiểu người khiến người khác dâng tiền đến tận miệng, thậm chí người đối diện còn có cảm giác anh ta sở hữu một ánh hào quang xung quanh cơ. Nhưng nhìn ở khía cạnh bạo lực thì anh ta cũng có nét giống Guts.
Anh ấy có thể ra ngoài đường đánh đấm cả ngày, rồi sau đó đến căn hộ của em và nói “được rồi, cùng vẽ manga nào”, sau đó anh ta đi thẳng đến nơi làm thêm vào ngày hôm sau trong tình trạng thiếu ngủ. Điều ấy khá là ngầu. Vì thế, em thấy mình phải làm gì đó để bắt kịp anh ta, và chăm chỉ vẽ manga hơn là cách em bộc lộ khao khát ấy. Về sau, em hiểu được rằng anh ta thường tỏ vẻ bố đời như thế là vì anh ta ngạc nhiên trước khả năng hội hoạ của em.
Thế rồi khi vào đại học, anh ấy từ bỏ ước mơ thành mangaka và quyết định sẽ làm những điều mà lũ còn lại trong nhóm cực kỳ ghen tị: ngủ với hàng trăm cô gái, được công ty top đầu mời làm việc, đại khái là những điều như thế. Anh ấy sau này trở thành một hoạ sĩ vẽ minh hoạ, bắt đầu kiếm được cả chục triệu yên một năm khi mới đang ở độ mười tám đôi mươi. Nhưng manga cuối cùng vẫn là thứ anh ấy đam mê hơn cả, nên rồi anh ấy quyết định vứt bỏ mọi thứ để bắt đầu bước vào ngành công nghiệp manga.
Phóng viên: Wow, đó quả là một câu chuyện thú vị.
Miura: Chị thấy đấy, ban đầu thì anh ta giống Griffith. Nhưng sau đó anh ta suy sụp và nghĩ lại xem điều anh ta thực sự muốn là gì, ở khía cạnh này, anh ta cũng rất giống Guts, đúng không? Có lẽ Griffith hay Guts là hình ảnh của những phong cách sống. Khi một cậu trai cố gắng làm điều gì đó, cậu ta có thể trở thành một Griffith, hoặc trở thành một Guts, tuỳ vào quyết định của họ.
Phóng viên: Rất thú vị. Vậy cậu đang ám chỉ rằng cả hai người họ đều tồn tại bên trong cậu?
Miura: Đúng thế. Khi mọi điều suôn sẻ, Griffith trỗi dậy. Nếu Berserk bắt đầu đổ vỡ và khó khăn hơn, Guts sẽ thế chân. Em ngờ rằng tất cả mọi người khi muốn cố gắng làm một điều gì đó sẽ đều phải trải nghiệm cả hai cảm giác ấy. Điều này thực chất em cũng mới chỉ nhận ra, khi được bộc bạch suy nghĩ như thế này.
Phóng viên: Còn về Tông đồ Quả trứng – chị từng nghe nói rằng nó được tạo ra bởi sự đồng cảm của cậu với những hikkikomori, hoặc với những cậu bé tầm thường không có gì nổi trội.
Miura: Dẫu có thể nào đi chăng nữa thì quái vật cũng thường xuyên xuất hiện trong Berserk, có những ngụ ngôn cho rằng những con quái vật bạo lực thực chất là vì chúng buồn. Những người như Tim Burton [một vị đạo diễn nổi tiếng với các phim kinh dị theo phong cách gothic] thực sự đã thể hiện điều xuyên suốt cả sự nghiệp, ông ấy diễn tả nỗi buồn qua lăng kính của sự sợ hãi. Và em cũng muốn làm điều đó. Khi nhìn vào Nhật Bản hiện đại để nhận diện nỗi buồn và vẻ đáng sợ ấy, em thấy có những người rất đỗi bình thường đã trở thành tội phạm, hoặc đang biến chất, hoặc họ sợ hãi với tương lai nơi mà bất cứ ai cũng có thể trở thành người xấu. Đó là những điều em muốn người đọc đồng cảm. Khi còn ở trường trung học, em có cảm tưởng rằng ai ai cũng bị ám ảnh trước viễn cảnh vào một ngày nào đó, họ có thể làm một điều rất tồi tệ, hoặc điều tồi tệ nào đó sẽ ập đến cuộc đời họ. Đó là cảm giác đến tận thời điểm này em vẫn mơ hồ cảm nhận được. Những con người sống ở thời đại ấy luôn có xu hướng không chấp nhận bất cứ điều gì nằm ngoài vùng an toàn của bản thân họ. Đó là thời đại của bọn em. Em nghĩ ta không được quên rằng ở ngoài kia, còn đó nhiều người không dám nói lên nỗi lòng của mình lắm.
Phóng viên: Chị thấy cái cảm giác luôn chập chờn trong nỗi sợ hãi ấy rất giống với không khí trong Berserk. Có thể điều này không trực tiếp xảy ra trong chủ ý của cậu, nhưng chị thấy rằng Berserk dường như đang phản chiếu hiện thực đời sống, và ngược lại. Cậu có theo dõi tin tức nhiều không?
Miura: Có chứ, em khá thích xem bản tin thời sự, và cả phim tài liệu nữa.
Phóng viên: Vậy câu chuyện về nhóm người tị nạn [trong phân đoạn về Lễ Nhập Thể ở Saint Albion] săn lùng những kẻ dị giáo thì sao? Chị nghe đồn cậu nảy ra ý tưởng đó khi nghe tin tức trên TV về đoàn tị nạn ở Nam Tư phải không?
Miura: Hình như hồi đó em có nghe tin về Nam Tư, hay cũng có thể là về Tutsi và Hutu. Em không nhớ rõ lắm. Nhưng dù là ở đâu thì nó cũng khiến em nghĩ thầm rằng: “Trời ạ, thế giới bây giờ thật là tàn nhẫn biết bao”. Vậy là em nghĩ mình nên đem những nhân vật lấy cảm hứng từ những người tị nạn ấy để câu chuyện của mình mang tính thời sự hơn. Nhưng điều quan trọng em nghĩ mình nên làm là phải khiến cho câu chuyện ấy gần gũi với Nhật Bản – dù sao thì người đọc của em cũng thưởng thức tác phẩm dưới góc nhìn của một người Nhật mà. Và trên hết, em muốn qua hình tượng ấy, người đọc có thể thấy được tập tính của các nhóm người bài ngoại cũng như cách mà con người có thể từ chối tự thân vận động và chỉ dựa dẫm, chờ người khác đứng lên thay họ. Ý tưởng chính là khơi mở những khía cạnh xấu xí của các nhóm người trong thời đại bấy giờ.
Phóng viên: Vậy những người tị nạn ấy thực ra rất giống người Nhật?
Miura: Những thứ bên ngoài Nhật Bản được đưa vào manga ở bề mặt thôi, còn bề sâu của thế giới trong Berserk vẫn là những gì thuộc về đất nước mình. Mọi thứ về nó ngay từ đầu đã luôn bắt rễ từ cốt lõi là Nhật Bản.
Phóng viên: Chờ đã, ý cậu là dẫu cho bề ngoài không giống lắm nhưng về mặt tinh thần thì Berserk là sự phản chiếu hình bóng của Nhật Bản?
Miura: Đại loại thế, em nghĩ nói như vậy cũng không sai.
Phóng viên: Cuộc trò chuyện này khiến chị thấy rất là bất ngờ, không thể tin được những người tị nạn mang dáng dấp của người Nhật, hay chuyện cậu bị ảnh hưởng bởi Yumiko Oshima [một nữ hoạ sĩ shoujo]…
Miura: Nhưng thật sự là em không coi mình là một người đặc biệt, một người sẽ làm được những chuyện không ai khác làm nổi. Em chỉ nghĩ mình là một người bình thường mà thôi. Tuy nhiên, em lại có thể nhìn ra nhiều điều hơn người khác. Em có thể nhìn vào những điều mà mọi người cho rằng chả có chút ý nghĩa gì ở đó – một bộ phim kì quặc hoặc những thứ dạng như vậy, và rút ra được một điều gì ở nó.
Về cơ bản, mỗi người đều sống cuộc sống của họ với những mối bận tâm đặc biệt riêng, và bản thân em thì coi manga là một mối bận tâm đặc biệt như thế. Kết nối với người khác, thấu hiểu lẫn nhau – đó là những điều rất quan trọng trong cuộc sống. Giải trí bằng cách đọc manga hay coi manga như một công việc suy cho cùng cũng không khác nhau là mấy - tất cả những gì xảy ra trong cuộc sống rồi cũng sẽ đi vào trong manga. Đưa đời sống hiện thực vào manga – đó là một nhiệm vụ quan trọng.
Phóng viên: Chị nghĩ manga là một phương tiện giải trí có thể ẩn chứa cả thế giới trong nó.
Miura: Đúng thế. Em không phải người hiểu biết quá uyên bác, và em cũng không phải người nhạy bén. Điều khiến em đặc biệt là em có thể kết nối rất nhiều điều trong tâm trí của mình và nghiền ngẫm chúng thật lâu, thật kỹ càng. Em nghĩ mình là một người rất kiên trì. Do đó, em có một nỗi ám ảnh khôn nguôi về việc không được để bất kỳ thứ gì, kể cả những suy nghĩ nhỏ nhặt, trở nên thừa thãi hay vô nghĩa.
Phóng viên: Cậu đã lên kế hoạch xa đến mức nào cho tương lai của Berserk?
Miura: Em cũng chưa có chắc lắm – đây cũng là một vấn đề làm em lo lắng. Nhưng chắc chắn một điều là câu chuyện về mối quan hệ giữa Griffith và Guts mới chỉ đang tiến những bước đầu tiên mà thôi.
Phóng viên: Chờ đã, chỉ mới bắt đầu thôi á? Chẳng nhẽ tất cả những gì đã qua chỉ là phần mở đầu thôi sao?
Miura: Ồ, không hẳn, nói là phần mở đầu thì có hơi quá. Tuy nhiên, chúng ta mới chạm đến phần mà câu chuyện mới chỉ thật sự vào guồng.
Phóng viên: Vậy là mối quan hệ giữa Guts và Griffith mới bắt đầu thật! Thật là một điều thú vị! Bất ngờ, nhưng rất đỗi thú vị.
Miura: Griffith cũng mới chỉ chấp nhận trở thành một con quỷ mà thôi. Em coi đó chỉ là khởi đầu cho mối lương duyên của họ. Và ngoài ra, đứa trẻ bị nguyền rủa mà Casca sinh ra cũng nắm giữ một vai trò đặc biệt quan trọng – mặc dù sự thật là khi mới vẽ, em còn không định cho nó là con của Casca.
Phóng viên: Thật ư?
Miura: Em thậm chí còn không nghĩ đến Casca ấy chứ.
Phóng viên: À, được rồi. Điều đó có nghĩa là ban đầu nó thậm chí còn không phải là một bào thai. Và chị đoán là cũng không có kế hoạch ban đầu nào cho việc Guts bị chọc mù một mắt và tự chặt đứt một cánh tay của mình đâu nhỉ?
Miura: Không hề. Ý tưởng ấy bị bỏ ngỏ. Về cơ bản em chỉ định lên kế hoạch rằng Griffith sẽ khiến Guts bị thương như thế thôi, nhưng rồi câu chuyện tình yêu nảy nở khiến cho những chi tiết ấy cứ tự nhiên xảy đến, nó hợp lý và kịch tính một cách hoàn hảo. Và đứa trẻ ấy cũng giống vậy thôi, nó tự nhiên trở nên rất phù hợp với câu chuyện.
Phóng viên: Chà… nghe được những điều như thế này thật tuyệt đấy. Cậu nói rằng cậu không thật sự lên kế hoạch cho mọi thứ, nhưng rồi mọi tiểu tiết lại hợp lý đến mức không xuất hiện chút sạn nào, như thể cậu đã chủ định mọi chi tiết ngay từ ban đầu vậy. Đó là sự kết hợp tuyệt vời giữa trực giác và ý thức.
Miura: Sự thật là vầy đó. Gần đây em đã tin tưởng hơn vào sự biếng nhác bất cẩn của bản thân. Kinh nghiệm của em chỉ ra rằng mọi thứ vẫn sẽ diễn ra trơn tru ngay cả khi nó không được lên kế hoạch trước. Em cho rằng mọi chuyện sẽ không thể suôn sẻ nếu em phải làm những thứ mà bản thân không cảm thấy thoải mái, kiểu như chìm đắm trong những thứ vay mượn từ nơi khác và bị mắc kẹt trong đó, rất may mắn là em không vướng vào những điều như vậy. Ngay cả những chi tiết em mượn từ nơi khác đến, em cũng đều cảm nhận nó thật kỹ rồi mới sử dụng.
Phóng viên: Nhưng chị nghĩ rằng một câu chuyện mà vẽ đến đâu nghĩ đến nấy như thế thì nội dung khó mà trùng khớp một cách hoàn hảo được đến vậy. Ý chị là, đứa trẻ bị nguyền ấy có mối liên kết với cả ba nhân vật. Sự thật là cậu đã xoay sở để khiến mọi thứ xuất hiện đúng lúc và thậm chí biến nó trở thành một yếu tố quan trọng về sau, đó quả thực là một sự phi thường. Câu chuyện sẽ có những bước chuyển mình phải không?
Miura: Phải, câu chuyện sẽ có nhiều thay đổi – và trong đó có cả mối quan hệ giữa Griffith, Casca và Guts nữa. Thêm vào đó, một phù thuỷ thực sự cũng sắp xuất hiện rồi, sớm thôi.
Phóng viên: Liệu có khả năng nào để chúng ta được thưởng thức một cái kết có hậu không?
Miura: Em muốn nói rằng điều đó là hoàn toàn có thể. Em từng cố lên kế hoạch cho đoạn cuối của câu chuyện, nhưng gần đây em lại nghĩ rằng mình cứ nên kệ để đến đâu hay đến đó thì hơn, nên thật khó để nói trước được điều gì có thể xảy ra. Kiểu người như em sẽ không thích kết thúc một câu chuyện vốn đã đầy đau khổ theo một cách nghiệt ngã hơn nữa – kiểu như để Guts chết đâu. Em thực sự không thích một câu chuyện như thế. Mà thôi, cứ để xem tiềm thức của em sẽ làm được gì nào.
Phóng viên: Chị hiểu rồi. Bây giờ là một vài câu hỏi nữa về những bí ẩn còn bỏ ngỏ trong Berserk. Con số 216 năm giữa các Nhật thực có ý nghĩa gì?
Miura: À, đó là khoảng cách về mặt thời gian giữa các sự kiện Nhật thực.
Phóng viên: Ồ, ra là vậy.
Miura: Hơn nữa, chia khoảng một nghìn năm với con số ấy thì sẽ ra năm – cũng có nghĩa là có năm God Hand. Em chỉ tình cờ nhận ra điều ấy mà thôi.
Phóng viên: Thú vị thật.
Miura: Và 216 cũng là kết quả của phép tính 6x6x6.
Phóng viên: Ý nghĩa của nó còn là phép toán ấy sao? Một bí ẩn số học nữa à?
Miura: Nó liên quan đến con số 666.
Phóng viên: À, đúng rồi, giống như trong Omen [một bộ phim kinh dị Mĩ ra mắt năm 1976]. Con số của quỷ dữ. Nó thực sự rất thú vị, rất ngầu.
Miura: Còn một điều nữa mà một fan hâm mộ đã nói với em, trong một cuộc nổi dậy của nông dân hay chiến tranh cách mạng gì gì đấy ở Đức cách đây rất lâu, có một hiệp sĩ chiến đấu với một cánh tay giả làm bằng kim loại vì tay phải của anh ta bị một khẩu pháo bắn nát, tên anh là hình như là Gotz. Nhưng sau này em mới biết thôi nhé.
Phóng viên: Tức là Guts không hề được tạo nên dựa trên hiệp sĩ đó?
Miura: Hoàn toàn chính xác.
Không có nhận xét nào: