Ads Top

Tài năng được nuôi dường từ những tấm bảng phân cảnh của cha

Bài phỏng vấn Kentarou Miura với sự có mặt của chủ tịch Hakusensha, ngài Kazuhiko Torishima in trên tạp chí Young Animal vào tháng Bảy năm 2016, phần 1: "Tài năng được nuôi dường từ những tấm bảng phân cảnh của cha"

[ dịch từ bản tiếng Anh trên Crunchyroll của Elissa Sato và Rei Miyusaka. Tham khảo và đối chiếu với bản dịch của idi0tf0wl.]


Kazuhiko Torishima – Chủ tịch, Hakusensha.

Profile: Gia nhập nhà xuất bản Shueisha với tư cách là một biên tập viên năm 1976. Nổi tiếng là một biên vô cùng nghiêm khắc với câu cửa miệng là “Phản đối!”, ông đã khám phá ra nhiều hoạ sĩ tài năng như Toriyama Akira [Dragon Ball, Dr.Slump] hay Katsura Masakazu [Zetman, I”S] và đưa nhiều manga xuất sắc ra ánh sáng. Ông thôi chức giám đốc quản lý cấp cao tại Shueisha của mình để đảm nhận vị trị Chủ tịch nhà xuất bản Hakusensha.

Nhằm chào mừng bộ TV anime sắp ra mắt chuyển thể từ manga Berserk, Young Animal hân hạnh giới thiệu những bài viết ghi lại cuộc trò chuyện giữa Miura-sensei và các vị khách mời đặc biệt. Cuộc trò chuyện đầu tiên có sự tham gia của vị cựu biên tập viên huyền thoại, đồng thời cũng là quyền chủ tịch Hakusensha, ngài Kazuhiko Torishima.

PV: Cảm ơn các ông vì đã có mặt ở đây hôm nay. Chúng tôi được biết rằng cuộc trò chuyện này là mong muốn trực tiếp của hoạ sĩ Kentarou Miura—liệu tôi có thể biết lý do vì sao ngài mong muốn vậy không?

Miura: Có rất nhiều lý do khác nhau, song tôi muốn được trò chuyện với những người đã truyền rất nhiều cảm hứng cho sự nghiệp của tôi, với tư cách là một hoạ sĩ manga. Tác phẩm có tầm ảnh hưởng sâu sắc nhất đến sự nghiệp của tôi là “Fist of the North Star”. Bộ truyện này được đăng dài kỳ trên tạp chí Weekly Shounen Jump, cùng một đợt với các tác phẩm xuất sắc như Dr. Slump, Dragon Ball hay Saint Seiya. Ngài Torishima đây đã làm việc ở Jump trong suốt những năm tháng đó – khi mà tôi còn đang ngồi trên ghế trung học và phổ thông, cho nên tôi muốn nghe những câu chuyện từ ngài ấy. Trước tiên, tôi muốn nghe về gia đình cũng như thời niên thiếu của ngài Torishima.

Torishima: Chuyện ấy thực có khiến anh hứng thú ư? Tôi nghĩ rằng không có mấy điều để nói về những vấn đề đó đâu. Chà, đầu tiên, có lẽ tôi hồi bé không hề có bạn bè.

Miura: Có lý do nào cho điều ấy không? Hay chỉ đơn giản là ngài quyết định sẽ không kết bạn với ai cả?

Torishima: Hồi bé, tôi có những mối quan tâm khác với những đứa trẻ đồng trang lứa. Về gia đình, tôi nghĩ mình cũng không có một mối quan hệ tốt đẹp với bố. Ông ấy không trò chuyện với tôi nhiều lắm, trong những lần hiếm hoi như thế, tôi ấn tượng với câu nói “không có cắc bạc nào còn tệ hơn là không có não”. Đó là thông điệp về cách mà ông ấy nghĩ thế giới đang vận hành, ông ấy nói đi nói lại câu nói đó suốt thời thơ ấu của tôi, và sau này tôi thấm thía được ý nghĩa của nó. Có một câu khác là “đừng có trở thành một thằng ngốc chỉ vì được gọi bằng danh xưng “sensei””. Được gọi bằng cụm từ “sensei” là một điều thiêng liêng với nhiều người trong nghề, nhưng đi kèm với danh xưng ấy là những bổn phận đầy căng thẳng cùng những mặt trái tiêu cực. Tôi nghĩ ông ấy muốn nhắc tôi rằng hãy bỏ qua những chức danh đạo mạo mà nhìn thẳng vào tâm hồn của người khác.

Miura: Ông ấy quả là một người khôn ngoan.

Torishima: Còn mẹ tôi lại là một người phụ nữ tích cực đến không ngờ. Bà ấy thường nói “nếu con thích chấp nhặt với lũ ngu thì con cũng ngu giống chúng nó mà thôi”. Nếu lũ ngu cứ xí xớn đến gần mà tị nạnh với bạn, thì bạn hãy mặc kệ tụi nó. Đó là cha mẹ tôi đấy.

Miura: Tôi hiểu. Niigata có phải là nơi ngài gắn bó suốt quãng thơ ấu hay không?

Torishima: Phải rồi, Niigata là quê nhà của tôi, nhưng tôi không thích con người ở Niigata cho lắm (cười). Khi anh sống ở vùng nông thôn, anh sẽ chỉ học chung với một nhóm người từ mẫu giáo, tiểu học cho đến trung học. Tôi ghét điều đó.

Torishima: Sau đó tôi không vào nổi đại học nên phải chuyển đến Tokyo để học một trường dự bị.

Miura: Ngài có thấy nhiều cơ hội được mở ra ở Tokyo hơn là ở quê nhà của mình không?

Torishima: Bầu trời ở Tokyo luôn xanh tươi, nhưng bầu trời Niigata suốt tuổi thơ của tôi lại suốt ngày xám xịt, từ tháng Mười Một đến tháng Ba. Chỉ cần như vậy thôi, tôi đã muốn thốt lên “Tokyo thật tuyệt”. Và khi tôi gia nhập trường dự bị, lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy khoan khái vì được gặp những người có chung sở thích và cả những người tôi cho rằng họ thông minh hơn mình rất nhiều.

Miura: Dẫu sao thì ngài vẫn dành phần lớn thời gian học phổ thông ở Niigata. Có bất cứ một kỷ niệm nào mà ngài cảm thấy trân trọng trong khoảng thời gian ở đó không?

Torishima: Chẳng có gì cả. Tôi cắm đầu cắm cổ vào đọc sách. Suốt thời gian đó, tôi cố gắng đọc mỗi ngày một cuốn sách.



Miura: Một sở thích ấy rất ấn tượng. Ngài thường đọc sách thể loại gì?

Torishima: Mọi thể loại, mọi kiểu sách. Tôi la cà khắp các thư viện mỗi ngày – thư viện ở trường, thư viện thành phố - đọc bất cứ cuốn nào lọt vào mắt xanh của mình.

Miura: Cuộc cách mạng sinh viên [Zenkyoto] xảy ra vào khoảng thời gian ngài đang học đại học phải không? Không khí ở trường đại học lúc ấy thế nào, có bạo lực không?

Torishima: Cũng có đó. Một lần, có một anh chàng – kiểu người dễ bị cuốn vào những cuộc biểu tình, xông vào lớp học và hét toáng lên rằng: “Đây không phải nơi để học!”. Lúc ấy tôi thường đáp lại là “Tôi trả tiền để được tham gia vào những lớp học thế này, giáo viên có nghĩa vụ dạy học, còn tôi sẽ có quyền được học tập. Anh chẳng có quyền ngăn cản những điều ấy”. Sau đó thì giảng viên sẽ rời đi còn lớp học thì bị giải tán. Vậy là tôi lại nói với anh ta rằng “nếu anh muốn dành cả cuộc đời mình để lao vào các cuộc biểu tình sinh viên, thì mặc kệ anh, nhưng hành động nửa vời thì chẳng có chút ý nghĩa nào đâu”. Có lẽ sau này, anh ta sẽ chán ngấy những cuộc biểu tình kiểu vậy và phải tìm một công việc tử tế, phải không? (cười).

Miura: Sau những sự kiện ấy, sinh viên có còn sôi sục như trước nữa không?

Torishima: Vẫn có một chút giận dữ. Dù sao thì tôi nghĩ anh chàng nổi loạn ấy chẳng có chút thực tế nào. Anh ta nuôi dưỡng những ảo tưởng mà không màng hậu quả của những hành động ngông cuồng. Những người thật sự khôn ngoan sẽ không tham gia vào các cuộc biểu tình sinh viên. Ngay cả khi tôi không có mối quan hệ tốt với bố mình thì quyết định học lên cao đẳng cũng là bởi ông từng dạy tôi rằng cuộc đời sẽ dễ thở hơn cả nếu ta có thể tự chủ tài chính. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 đã gây nên những hậu quả to lớn, các công ty đều lao đao và buộc phải ngưng tuyển dụng nhân viên mới. Đó là một tính toán sai lầm, phải chứ?

Miura: Nhưng rõ ràng là ngài không thể nào đoán trước được rằng những điều đó lại xảy ra…

Torishima: Và mọi chuyện còn tồi tệ hơn khi tôi không được tham gia vào một buổi hội thảo chỉ vì người phỏng vấn tôi là một đàn anh ở trường, và hắn ta thì vốn là một kẻ xấu tính. Tôi dù sao cũng đã để lại được ấn tượng mình là một kẻ ngoan cường khi đã đối chọi với mọi lời công kích của anh ta.

Miura: Không có bạn bè; gặp rắc rối ở trường; cuộc sống của ngài có vẻ giống một cuộc chiến đẫm máu phải không?

Torishima: Quả thật là như vậy. Điều tôi căm ghét nhất là những người thích đàm tếu vào hùa. Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã cảm thấy những người không thể bộc lộ suy nghĩ và quan điểm của mình, hoặc những người không thể cất lên tiếng nói của chính họ, thật đáng thương.

Miura: Ông có cảm thấy điều ấy trước cả khi bắt đầu biết đọc sách hay không?

Torishima: Hmmm… Tôi cũng không rõ cảm giác ấy đến trước hay sau nữa. Những đứa trẻ ở lớp mẫu giáo cũng hay bắt nạt tôi. Giáo viên lại thường bênh bọn nhóc kia, mặc dù rõ ràng là chúng gây sự trước. Tôi biết tỏng từ trước là bà giáo ấy rất thân với bố của một thằng trong nhóm ấy, thế nên cuối cùng tôi cũng chẳng để tâm nữa, coi đó như một sự thiên vị có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu. Sau này, khi tôi lên tiểu học, bà giáo ấy và bố của thằng đó kết hôn với nhau [Cười lớn].

Miura: Làm thế nào mà ông đạt được khả năng quan sát giỏi đến vậy?

Torishima: Tôi không “đạt được khả năng” ấy; đó chỉ là những điều bình thường mà ta có thể nhận ra ngay nếu để tâm một chút mà thôi.

Miura: Tôi biết rằng có những đứa trẻ sắc sảo đến mức khó tin ngay từ khi còn nhỏ. Ông chắc hẳn là một trong số đó.

Torishima: Tôi luôn gặp rắc rối khi cố gắng trò chuyện với người khác, do đó tôi luôn tự nghĩ trong đầu rằng, “làm ơn tránh xa khỏi tôi hộ cái”.

Miura: Ông chả khác nào một đứa trẻ bị quỷ ám. [Cười lớn].

PV: Tuổi thơ của anh trôi qua thế nào?

Miura: Thú thực, tôi là một đứa trẻ khá ngốc nghếch (cười). Tôi sinh ra ở Chiba, sống ở Yachiyodai cho đến khi học lớp 2. Sau đó tôi sống ở Kajigaya, Kanagawa từ năm hai trung học, rồi chuyển đến Tsurukawa, Machida cho đến khi vào cao đẳng. Khi trở thành hoạ sĩ thì tôi càng phải di chuyển chỗ ở nhiều lần hơn. Cha tôi từng làm hoạ sĩ vẽ kịch bản phân cảnh cho quảng cáo và mẹ tôi thì dạy các lớp mỹ thuật. Họ kết hôn khi cả hai đều đang là sinh viên của trường Đại học Mỹ thuật Musashino (Tokyo). Vì thế, ngay từ khi còn rất nhỏ tôi đã quen ngồi ở góc các lớp mỹ thuật và miệt mài vẽ. Chẳng bao lâu sau, mơ ước trở thành một hoạ sĩ truyện tranh đã nảy nở trong tâm trí tôi.

Torishima: Anh nói bố mình là một hoạ sĩ thiết kế bảng phân cảnh, gia đình anh có rõ về công việc của ông ấy không?

Miura: Tôi có rất nhiều cơ hội để được chiêm ngưỡng tác phẩm của ông ấy, trước khi ông ấy gửi chúng đi, nên dĩ nhiên là tôi có nhận ra công việc của ông ấy. Các tác phẩm của ông ấy rồi cũng sẽ xuất hiện trong những đoạn quảng cáo trên TV nên đó cũng là cách giúp tôi biết công việc ông ấy làm.

Torishima: Anh có hiểu chút gì về bảng phân cảnh vào lúc mà vốn chỉ đang là một đứa bé không?

Miura: Bảng phân cảnh được tạo ra để truyền tải ý nghĩa của những bức tranh, cho nên tất nhiên là tôi hiểu nó. Tôi nghĩ cách thiết kế khung tranh của mình chịu rất nhiều ảnh hưởng từ bố. Tôi ngưng vẽ chuệch choạc linh tinh khi còn học mầm non và bắt đầu vẽ manga khi vào tiểu học. Tôi bắt đầu bắt chước tranh vẽ của những người khác, trên những manga trong các cuốn tạp chí chẳng hạn…

Torishima: Khi cố gắng bắt chước các bức vẽ ấy, anh có để ý đến phần tạo nên khung tranh hay không?

Miura: Hmmm… Tôi chưa bao giờ thực sự chú ý đến chúng.

Torishima: Biên tập của anh đã bao giờ hướng dẫn anh về cách thiết kế khung tranh chưa?

Miura: Rồi, thực ra, biên tập của tôi đã dạy hết cho tôi những điều cơ bản nhất. Nhưng bản thân tôi đã mường tượng về cách sáng tạo những điều đó trước cả khi được dạy.

Torishima: Vậy thì chắc hẳn những bảng phân cảnh của bố anh đã đem đến những giá trị vô cùng quý giá đó.

Miura: Quả thật vậy. Môi trường ấy quả là phù hợp với tôi, phải không nào? (Cười).

Không có nhận xét nào: