Phần 2: Có một điều tôi sẽ không cho phép cậu làm nếu được quyền, đó là khiến Griffith gục ngã như thế
Bài phỏng vấn Kentarou Miura, tháng Bảy năm 2016, phần 2: "CÓ MỘT ĐIỀU TÔI SẼ KHÔNG CHO PHÉP CẬU LÀM NẾU ĐƯỢC QUYỀN, ĐÓ LÀ KHIẾN GRIFFITH GỤC NGÃ NHƯ THẾ!"
Miura: Tôi có một suy nghĩ nho nhỏ thế này – rằng nếu bạn không thể coi quá khứ của bản thân như một câu chuyện, bạn sẽ không thể trở thành hoạ sĩ manga. Vì vậy tôi coi bản thân và những người mình từng gặp là một phần của câu chuyện ấy. Thế nên ngay lúc này, tôi đang hình dung ngài Torishima-san đây như thể một nhân vật truyện tranh (cười).
PV: Điều đó có nghĩa là anh cũng nhìn những người xung quanh mình – gia đình và bạn bè – như thể những nhân vật truyện tranh?
Miura: Tôi nghĩ phải nói rằng tôi đang dần dần coi họ như những nhân vật thì đúng hơn. Nếu tôi dành đủ thì giờ để tìm hiểu một người, tôi sẽ biết được đời tư cá nhân của họ cũng như những câu chuyện thú vị về họ. Cứ như vậy, tôi bắt đầu hiểu ra được rằng họ là ai, và nhìn họ theo kiểu “họ là một người với các câu chuyện thế này, với các tính cách thế kia”.
Torishima: Ôi giời, vậy là tôi đã kể tuốt tuồn tuột chuyện gia đình mình với một người có những suy nghĩ như thế này đây [cười].
Miura: Tôi xin lỗi!
Torishima: Vậy khi nào thì anh bắt đầu thực sự nghiêm túc hướng đến mục tiêu trở thành một hoạ sĩ truyện tranh?
Miura: Tôi bắt đầu chú tâm và coi trọng ước mơ ấy khi vào học trung học. Khó mà gặp được một đứa trẻ cấp hai mang trong mình mong ước được trở thành hoạ sĩ truyện tranh, phải chứ? Vì thế, để có thể gặp được những người có chung nguyện vọng với mình, tôi đã quyết định sẽ học ở những ngôi trường có khoa mỹ thuật. Và sự thật là tôi đã gặp được những người như thế. Chúng tôi trở thành những người bạn đồng hành mà cũng đồng thời là những địch thủ, và chính điều đó thôi thúc tôi càng hào hứng hơn trước viễn cảnh trở thành một hoạ sĩ chuyên nghiệp. Tất nhiên, sau cùng, chỉ có hai người trong chúng tôi trở thành hoạ sĩ truyện tranh là tôi và Mori Koji-kun (được biết đến với tác phẩm Suicide Island)
Torishima: Anh có gửi tác phẩm nào của mình tới nhà xuất bản nào đấy khi mới quyết định lên chuyên nghiệp không?
Miura: Dĩ nhiên là tôi có thử rồi. Tôi nghĩ mình đã gửi tác phẩm đầu tiên đến tạp chí Weekly Shounen Sunday (Shogakukan). Mori-kun và tôi là đồng tác giả của bộ truyện đó, nhưng sau rốt thì nó bị loại ở vòng tuyển chọn cuối cùng (cười). Đó là một tác phẩm Sci-Fi, thể loại vốn rất thịnh hình lúc bấy giờ. Nghĩ lại thì Mori-kun đóng một vai trò rất lớn tới cuộc đời của tôi. Anh ấy giống như người anh hùng trong một ca khúc của band Johnnys vậy. Anh ấy rất cuốn hút phụ nữ, hơi quậy phá và thích lao vào các cuộc ẩu đả, cãi vã. Nhưng với ước được trở thành hoạ sĩ truyện tranh, anh ấy đã rời bỏ quê nhà lưu giữ đầy những chiến tích bất hủ của mình và bắt đầu lại ở một trường mỹ thuật.
Torishima: Chính xác thì hai người đồng sáng tác tác phẩm ấy như thế nào?
Miura: Mori-kun chịu trách nhiệm vẽ các bản nháp và thiết kế tạo hình nhân vật trong khi đó tôi phụ trách phần vẽ cảnh nền cũng như các mechs. Nhưng đó thực sự là một bộ manga kém chất lượng (cười).
Torishima: Anh vẫn giữ nó chứ?
Miura: Tôi vẫn giữ nó. Tôi bọc nó bằng một túi nhựa và để ở trong tủ đồ của mình.
Torishima: Đó là điểm khởi đầu trong sự nghiệp của hai người. Anh nên tái xuất bản nó trên một tạp chí nào đấy. (cười)
Miura: Không, tôi không nghĩ mình sẽ làm vậy.
Torishima: Từ quan điểm của một biên tập viên, tôi có thể nói rằng Mori-sensei là kiểu người sinh ra để viết những tiểu thuyết kể câu chuyện về đời mình, giống Dazai Osamu. Những người như anh ấy thường rất có sức hút khi ở độ tuổi thiếu niên. Tôi đoán là anh cũng thấy anh ấy vô cùng tuyệt vời, phải chứ?
Miura: Quả thật là như thế. Hào quang đó thực sự khiến việc trở thành bạn bè với anh ấy trở nên rất khó khăn. Tôi không thể ngăn được cảm giác thua kém mỗi khi đứng cạnh anh ấy, rõ ràng là có khoảng cách giữa hai người. Tôi không thích thua cuộc, nên để chấm dứt cảm giác đau khổ vì kém cỏi hơn đó, tôi lấy manga làm vũ khí để đối chọi với Mori-kun.
Torishima: Vậy là anh đã luôn cố gắng cạnh tranh với anh ấy về khía cạnh khả năng vẽ manga. Sức hút ấy vẫn khiến anh, dù đã chấp nhận sát cánh cùng anh ấy, phải nghiến răng kèn kẹt.
Miura: Anh ấy thật tuyệt vời. Và điều đó thật không may cho tôi.
Torishima: Nghe như thể câu chuyện về Guts và Griffith ấy nhỉ.
Miura: Thực ra mối quan hệ giữa tôi và anh ấy chính là cảm hứng để tôi sáng tạo nên câu chuyện về hai nhân vật này. Nhưng đôi khi tôi là Guts, đôi lúc lại là Griffith. Đó là điều thường xuyên xảy ra trong các mối quan hệ giữa các chàng trai.
Torishima: Sau khi đọc Berserk, có một điều mà nếu tôi có quyền chỉ định, tôi sẽ không bao giờ cho phép cậu làm. Trong tập 10, khi chúng ta đang chờ đợi xem Griffith sẽ xử sự thế nào trước sự ra đi của Guts, thì cuối cùng anh ta lại quyến rũ Charlotte một cách đầy nông nổi. Tôi thực sự thật có chút đau đớn đấy! Tôi lúc đó nghĩ rằng “Miura-sensei đang thực sự đẩy cao trào lên quá nhanh, có lẽ cậu ấy muốn hướng tới tập 13 càng nhanh càng tốt, nơi mà âm hưởng Devilman (Nagai Go) đang chờ sẵn”. Nhưng cũng trong lúc đó, tôi đang đọc Devilman đến phân đoạn mà cách kể chuyện theo trường phái shounen bắt đầu được thay thế bằng một âm hưởng rất tàn khốc. Dù cho đây là Berserk, dù cho tôi biết điều gì sẽ xảy ra sau tập 13, sau khi Griffith ngã khuỵu, thì tôi nghĩ cũng không nên để một nhân vật xuống dốc nhanh đến thế.
Miura: Trong Berserk, có một thứ quy định cụ thể cho số phận của một nhân vật. Quyết định đầu tiên của tôi là cho người đọc thấy sự xuất hiện của “Kiếm Sĩ Đen” Guts. Lúc bấy giờ, tôi chưa có ý tưởng rõ ràng về quá khứ của anh ấy, cũng như câu chuyện về sau này.
Torishima: Đến tập 3, tôi vẫn còn chưa hiểu được chuyện gì đã xảy ra (cười).
Miura: Berserk là bộ truyện dài kỳ đầu tiên của tôi, nên ban đầu tôi muốn thể hiện khía cạnh “Kiếm sĩ Đen” rõ nét nhất có thể. Điều đầu tiên tôi quyết định là anh ấy phải đắm chìm trong giận dữ, với tông màu đen tối bao phủ xung quanh. Và bởi vì anh ấy rất giận dữ nên anh ấy phải trả thù, và vì anh ấy phải trả thù mà thanh kiếm khổng lồ với khẩu đại bác luôn xuất hiện trên tay anh ấy. Tôi tập trung hoàn toàn vào việc phát triển nhân vật như thế, cho đến khoảng tập 3 hoặc tập 4, rồi sau đó mới nghĩ đến lý do khiến anh ấy phải trả thù. Và cứ thế, cứ thế, câu chuyện bắt đầu…
Torishima: Ngược lại, tôi rất mừng vì phong cách kể chuyện đã thay đổi từ tập 3. Bởi vì thông thường, ở các tạp chí tuần san, việc giới thiệu nhân vật bắt buộc phải kết thúc trong ba tuần đầu tiên.
Miura: Ngày nay thì đó chính là luật bất thành văn, phải không?
Torishima: Nếu là tôi, tôi muốn thảo luận xem nhân vật chính muốn gì và quá khứ của họ như thế nào, rồi mới để tác giả viết những câu chuyện đầu tiên. Ngay cả dù cho one-shot mà cậu gửi có tốt đến đâu, tôi vẫn sẽ phải thảo luận thêm, chọn lọc chi tiết rồi mới bắt tay vào vẽ chương đầu. Đó là công việc của một biên tập.
Miura: Chà… Tờ tạp chí mà tôi nộp ý tưởng vào lúc bấy giờ đang trên đà đi xuống, biên tập viên của tôi bị thuyên chuyển sang bộ phận khác. Nên ban đầu, tôi làm việc với những biên tập không hề liên quan đến nhà xuất bản Hakusensha.
Torishima: Thật ư? Ai vậy nhỉ?
Miura: Tôi cũng không nhớ anh ấy là ai nữa (cười). Cứ bắt đầu làm việc với người này thì họ lại thay bằng người khác. Và rồi bộ sậu quản lý lại thay đổi một lần nữa, và giữa không khí mù mịt lộn xộn ấy, biên tập viên đầu tiên của tôi quay lại. Anh ấy cũng giống như ngài Torishima-san đây, được người ta đánh giá là thường có những đánh giá thẳng thắn và những lời khuyên hữu ích với các hoạ sĩ làm việc cùng. Nhưng vì tác phẩm đầu tiên được duyệt đăng dài kỳ cũng đồng thời là tác phẩm debut của tôi nên tôi không bị chỉ trích nhiều lắm. À nhưng trước Hakusensha, tôi có gửi bản thảo cho một tạp chí shounen trước đó bốn năm, có lẽ đấy là lúc tôi bị chỉ trích nhiều nhất.
Torishima: Tại sao bản thảo ấy lại không thành công khi gửi đến tạp chí Shounen kia?
Miura: Một phần lý do là bởi lúc ấy tôi chưa đạt đến tiềm năng vốn có của mình, phần còn lại là họ không có hứng thú xuất bản một tác phẩm Sci-Fi hay fantasy.
Torishima: Điều đó đúng thật, khi ấy tất cả còn đang quay cuồng bởi sự bùng nổ của Adachi Mitsuru trong khi Shounen Sunday trở thành cuốn tạp chí hấp dẫn hơn cả. Ngành công nghiệp manga lúc đó chỉ xoay quanh những tác phẩm hài lãng mạn nhờ thành tựu của Adachi-sensei. Bởi thế mà Jump cũng tìm kiếm một tác phẩm đối đầu được với Shounen Sunday. Đó là lý do Fist of the North Star ra đời, như một lời thách thức.
Miura: Trong tâm trí của tôi, trung tâm của mọi manga luôn là Fist of the North Star. Vào thời điểm ấy, những nắm đấm của Kenshiro dường như vươn ra khỏi trang giấy vẽ. Vì vậy tôi muốn tạo nên một ý niệm có sức nặng tương tự với Berserk, nhưng tôi thực sự rất lo lắng với tác phẩm dài kỳ đầu tay của mình. Tôi nhào nặn nhân vật của mình xung quanh thanh kiếm khổng lồ, để khác với “nắm đấm” trong Fist of the North Star, nhưng lúc đầu vẫn chưa thể tạo nên ấn tượng như “nắm đấm” của Kenshiro. Bởi thế mà tôi quyết định không cố gắng để sao chép nắm đấm kia nữa mà cố để tạo nên một ấn tượng của riêng mình, và thế là tôi nắm bắt được cái ấn tượng theo kiểu “thật hơn cả tranh vẽ” mà mình luôn mong mỏi.
Bức ảnh này được đăng trên blog của vợ Koji Mori - bạn thân của Kentarou Miura. Nó được chụp vào tháng 7 năm 2014, trong bữa tiệc hậu lễ trao Giải thưởng Văn hoá Osamu Tezuka. Miura có mặt tại đây vì một trong những mangaka thân thiết với ông là Chica Umino - nữ tác giả của March comes in like a lion (Sư tử tháng Ba) được trao giải tại buổi lễ này. Bên trái là Mori, ở giữa là Chica và người đàn ông của chúng ta ở bên phải.Như các bạn thấy đấy, lão già ngại đến mức bắt người ta phải che mặt mình lại rồi mới được đăng lên mạng
PV: Miura-sensei, anh đã bao giờ gửi bản thảo cho Jump chưa?
Miura: Chưa bao giờ. Tôi quá nhát gan mà lại (cười).
Torishima: Yeah, không khí ở đó quả là đáng sợ.
Miura: Rất khủng khiếp mới đúng. Tất cả những tác giả ưu tú muốn tác phẩm của họ được đăng dài kỳ trên một tạp chí tuần sau đều gửi bản thảo của họ tới Jump. Tôi thiếu nhiệt huyết chiến đấu với người khác.
Torishima: Nhưng bất kỳ ai thành công tại Jump đều có thể vươn ra ngoài thế giới.
Miura: Tôi biết, rõ ràng là vậy nhỉ? Đó là cách mọi thứ vận hành tại Jump. Nhưng điều đó vượt ngoài khả năng của tôi.
Torishima: Không đâu, tôi nghĩ rằng cậu hoàn toàn có thể đạt được thành công như thế.
Miura: Tôi không sự không chắc về điều đó.
Torishima: Nếu cậu gặp tôi trước, cậu sẽ thấy điều ấy rõ hơn. Chúng ta dẫu sao cũng là những người chung thế hệ mà (cười).
Miura: Vậy thì cùng quay ngược thời gian thôi (cười). Tôi nghe được rất nhiều tin đồn đáng sợ, dù cho không biết đâu là thật, đâu là giả.
Torishima: Cậu nói phải, được xuất bản ở Jump không phải là một điều dễ dàng. Rất nhiều người đã ngã khuỵu khi tới đó.
Miura: Ai mà hỏi về các hoạ sĩ thời đó thì tôi cũng sẽ trả lời rằng họ đều là quái nhân. Họ rất tài năng và luôn công hiến hết sức mình để tác phẩm được đăng hàng tuần trên tạp chí.
Torishima: Phải rồi, vào khoảng thời gian ấy, Jump vẫn phát triển như vũ bão, dường như không hề có dấu hiệu dừng lại. Và hơn thế nữa, đã có kế hoạch tổ chức lễ trao Giải thưởng do Độc giả của Jump bình chọn, chúng tôi đã tổ chức một lần duy nhất. Lịch tổ chức được quyết định bằng cách rút thăm, và ai cũng thống nhất Akira Toriyama không nên là người rút. Dù sao thì đó cũng là một năm tuyệt vời, dù bận đến nỗi không có kỳ nghỉ tết.
PV: Tôi có cảm giác rằng sáng tác manga lúc ấy khó khăn hơn nhiều so với hiện nay, nhất là không thời đó chúng ta không có sự giúp đỡ của công nghệ.
Torishima: Đó rõ ràng là lý do vì sao hoạ sĩ truyện tranh thời trước luôn có áp lực phải nâng cao trình độ của mình liên tục. Chẳng hạn, việc hoàn thành bản thảo chỉ trong vòng hai ngày chẳng phải là một điều gì quá to tát. Không chỉ vậy, một bản thảo được hoàn thành trong hai ngày cũng chẳng có gì khác biệt với một bản thảo được viết xong sau bốn ngày. Khác biệt lớn nhất chỉ là quyết tâm mà thôi. Điều ấy giống như các chương trình đố vui: nếu bạn có ba lựa chọn, nhiều khả năng bạn sẽ do dự và chọn sai đáp án. Ngược lại, nếu câu trả lời bật ra ngay, thì bạn thường chọn đúng hơn. Ngoài ra, một biên tập viên không được để tác giả cảm thấy lạc lối. Điều quan trọng là người biên tập phải xem xét kĩ càng các nguyên liệu thô mà tác giả mang ra, rồi cùng lựa chọn để quyết định xem nên chế biến chúng thế nào cho thật ngon miệng. Nói cách khác, điều tối quan trọng là phải biết nâng cái gì lên, hạ cái gì xuống. Mấu chốt của những cuộc tranh luận giữa biên tập với tác giả là làm thế nào để nội dung câu chuyện được sắp xếp hợp lý vào trong một bố cục, một trật tự - tìm ra cách để làm nổi bật vẻ đẹp của mỗi khung tranh. Trên thực tế, điều này phù hợp với góc nhìn của độc giả: điều đáng quan tâm không phải là chiều theo cái họ thích, mà là tạo nên một thứ khiến họ cảm thấy ấn tượng.
Miura: Ra vậy! Nhân tiện thì những biên tập ở Jump có mánh khoé, chiêu bài nào để cải thiện trình độ của các hoạ sĩ mới vào nghề không?
Torishima: Không hẳn là có. Nhưng khi tôi trở thành phó tổng biên tập, tôi đã soạn thảo một giáo trình giảng dạy cho các hoạ sĩ tại Jump, mà tới giờ nó vẫn đang được sử dụng. Các biên tập ở Jump luôn nổi tiếng bởi trình độ, tay nghề rất cao. Nhưng vẫn có nhiều biên tập cho rằng chỉ đóng góp ý kiến thôi là đủ rồi, nhưng thực ra điều ấy đâu làm hoạ sĩ tốt lên. Để khiến họ hiểu được điều gì nên làm, điều gì không nên làm, hay điều gì cần phải cải thiện, một biên tập phải thấu hiểu được phong cách đặc thù của tác giả ấy.
Miura: Nhưng Jump vốn là một tạp chí Shounen còn Animal lại là một tạp chí Seinen. Có khác biệt nào trong quá trình biên tập hay không?
Torishima: Không hề! Sự khác biệt duy nhất giữa một manga shounen với một manga seinen là ở hương vị “cay đắng”. Khẩu vị của con người thường thay đổi giữa ngọt ngào và cay đắng. Khi cay đắng bắt đầu len vào đầu lưỡi, thì câu chuyện bắt đầu trở nên phức tạp hơn. Nhưng Shounen thì không có cái vị đắng cay của Seinen.
Miura: Có bao nhiêu người nộp bản thảo vào một tạp chí Seinen có thể hiểu được tầm quan trọng của “vị đắng” ấy?
Torishima: Nếu không có biên tập viên nào hiểu được điều ấy, thì sẽ có bao nhiêu hoạ sĩ manga đạt được đến thành công cơ chứ? Tôi đã dìu dắt rất nhiều người suốt bốn mươi năm qua tại Hakusensha. Một nhóm người với các vị trí, độ tuổi khác nhau cùng nghĩ ra những bài thuyết trình dạng như “Nếu anh trở thành chủ tịch” hoặc “Nếu anh trở thành Tổng biên tập”. Và rồi họ sẽ thảo luận với tôi về bài diễn thuyết ấy. Đó là công việc của “huấn luyện viên Torishima”. Một đội, hai tiếng, ngày ba lượt. Tôi nghĩ đó là cách tốt để hỗ trợ nhân sự dưới quyền, bằng cách tiếp nhận những ý kiến trái chiều.
Miura: Những quan điểm khác biệt luôn song hành với sự tồn tại của manga. Đặc biệt là với shounen, thể loại mà các giá trị bề mặt luôn được tôn trọng.
Torishima: Đúng thế, ngay từ đầu, tôi luôn xác định rõ mục tiêu của mình là phải nghĩ kĩ xem nên nói gì khi phải giải thích một chuyện gì đó với một người khác, phải biết hành động sao cho phù hợp. Điều đó, cùng với việc lắng nghe câu chuyện của mọi người, làm nên tôi của ngày hôm nay.
Miura: Đôi khi một hoạ sĩ có kinh nghiệm, như tôi, sẽ bắt đầu tự hỏi không biết liệu mình có thể truyền đạt những gì mình biết được cho lớp trẻ không.
Torishima: Tôi nghĩ cậu hợp làm giáo viên đấy!
[Còn nữa]
Không có nhận xét nào: