"Có vài thứ mà chỉ khi mất đi, người ta mới biết giá trị thực của nó."
Những dòng chia sẻ của cây bút Get Backer - tác giả của Ngục Thánh, một trong những tác phẩm fantasy Việt Nam đồ sộ nhất: "Có vài thứ mà chỉ khi mất đi, người ta mới biết giá trị thực của nó."
Sẽ không lạ khi nhiều tuần, nhiều tháng hoặc nhiều năm sau, người ta sẽ nhắc lại sự ra đi của Kentaro Miura vào ngày mất, ngày ra đời, ngày debut truyện hoặc bất cứ ngày nào liên quan đến tác giả, như kiểu đến hẹn là lại nhắc Trần Lập hay Chester Benington. Cũng sẽ không lạ khi từ nay về sau, Berserk sẽ luôn được liệt vào bộ manga kinh điển và xuất sắc nhất, dù bản thân nó vốn là như thế nhưng không được nhiều người để ý.
Nhưng trước mắt là những ngày tới đây, từ “nuối tiếc” sẽ được dùng nhiều nhất khi nhắc về Berserk. Tiếc nuối là thật, vì những người cất công theo dõi truyện từ ngày xưa luôn muốn nhìn thấy cuộc chiến cuối cùng của Guts. Chẳng ai muốn đọc một câu chuyện dang dở. Ám Hành Ngự Sử đã cố gắng phản chiếu lại tinh thần của Berserk nhưng cái kết của nó chỉ khiến người ta muốn quay lại chính Berserk. Trong trường hợp may mắn nhất, Miura đã để lại nội dung chính và các đệ tử của ông sẽ tiếp tục vẽ nó tới hết thì cũng an ủi phần nào. Dù vậy thì cái cảm giác “Berserk kết thúc mà không phải do Miura kết thúc” sẽ đeo đẳng người ta mãi. Sự nuối tiếc là thật. Người mới đọc hay người đọc đã lâu đều có quyền nuối tiếc.
Nhưng người nuối tiếc nhất chưa chắc đã là độc giả. Nếu, chỉ là nếu, bằng cách nào đó mà ngay lúc này Miura có thể nói, thì ông sẽ nói rằng chính ông mới là người tiếc nuối nhất.
Theo đuổi một tác phẩm nhiều năm không phải chuyện hiếm. Nhiều tác giả làm vậy. Nhưng một tác phẩm mà chứa đựng cả thế giới trong đó mà mỗi cử chỉ của nhân vật, mỗi khung cảnh, mỗi chuyển động đều có sức sống và mọi thứ có sự liên kết mạnh mẽ, thì Berserk là của hiếm. Người như Miura càng hiếm. Để làm được như thế cần tìm kiếm ý tưởng, tham khảo nhiều nguồn, phác thảo, xây dựng, hủy bỏ chi tiết thừa, xây dựng lại, hủy bỏ chi tiết thừa lần hai, xây dựng tiếp… quan trọng hơn cả là thời gian. Thế giới rộng lớn kỳ vĩ bao nhiêu, thời gian xây dựng dài bấy nhiêu.
Vẽ ra một thế giới không đơn giản là đặt tên nhân vật, vẽ ra vài địa danh, đấm đá máu lửa rồi thở ra vài câu ngầu ngầu là xong. Nếu chỉ như thế thì nó là truyện cho trẻ con. Berserk ban đầu cũng như vậy. Ảnh hưởng từ Bắc Đẩu Thần Quyền, từ gu thưởng thức ưa bạo lựa hành động thập niên 80, từ trào lưu nhạc heavy metal… Berserk mở đầu bằng cảnh sex, trang phục đậm chất anh hùng hành động kiểu cũ, bạo lực máu me tung tóe. Không có gì đặc biệt nếu so vào thời đó. Mọi sự khởi đầu đều bình thường như thế.
Nhưng bằng cách nào đấy mà Miura gắn bó với Berserk. Có thể vì sự nghiệp, vì hợp đồng công việc, vì tiếc nuối cho một bản thảo đã vẽ từ hồi đại học, vì không muốn nặng não nghĩ thêm chủ đề khác, hoặc vì một lý do trời hỡi đã tác động tới Miura trẻ tuổi. Sự gắn bó với một tác phẩm không có mục đích gì cao siêu, chỉ đơn giản là vì “thích”.
Nhưng rồi cái “thích” đó phát triển và lớn dần lên. Hẳn trong một giây phút nào đó, Miura đã nghĩ đến ý tưởng khác. Nhưng có lẽ trong bản tính rụt rè nhút nhát, sự tận tâm cầu thị trong công việc, sự cầu toàn của người nghệ sĩ, ông đã không nỡ bỏ mặc số phận của Guts. Anh chàng tóc đen chột mắt đó cần một câu chuyện, một câu trả lời để lý giải cho cuộc đời anh ta. Sự gắn bó với tác phẩm đã không còn là sáng tác nghệ thuật đơn thuần, mà trở thành cái nghiệp của Miura. Tác giả làm việc tỉ mẩn, để ý từng chi tiết, từng đường nét góc cạnh, để rồi tất cả được phơi bày trong Golden Age và Nhật Thực. Khi Nhật Thực xuất hiện, Berserk đã vượt khỏi khái niệm manga thông thường, mà là một tiểu thuyết bằng tranh. Một cuốn tiểu thuyết thực sự.
Cái nghiệp Berserk theo Miura suốt 30 năm, thời gian sáng tác ngày càng dài. Viết một câu chuyện trường kỳ là khó, để nó liên tục tươi mới liền mạch càng khó hơn. Và tác giả thì già đi. Khi già, người ta hay đối thoại với chính mình. Từ sau Nhật Thực, Miura liên tục đối thoại với mình để nhìn lại cuộc đời của Guts là đúng hay sai, sự báo thù của Guts là giải thoát hay là vực thẳm khác nuốt chửng anh. 30 năm dài, Berserk mang trong mình những phạm trù triết học và cũng như chính các nhà triết học, nó đồng thời nảy sinh những mâu thuẫn. Miura đã tự vấn với mình, tự mâu thuẫn chính mình, như hình ảnh của Guts qua 30 năm đã thay đổi, câu hỏi “Liệu tôi đã làm đúng?” ngày càng hiển hiện trên gương mặt anh ta. 30 năm Berserk là minh chứng rõ ràng cho câu của triết gia Nietzsche “Khi anh nhìn đủ lâu vào vực thẳm, vực thẳm sẽ nhìn lại anh”.
Đổi lại cho 30 năm Berserk là cuộc đời cô đơn của chính Miura. Không nhiều bạn bè, không thời gian giải trí, sự cầu toàn đến mức cực đoan, xây dựng tác phẩm theo lối truyền thống nhất giữa thời đại tên lửa… Miura vẫn làm mọi thứ như những ngày đầu tiên. 30 năm khổ ải. Nếu Berserk không phải là cái nghiệp, hẳn rằng Miura đã kết thúc nó từ sớm. Hẳn rằng ông đang chuẩn bị từng chi tiết nhỏ cho cái kết của Berserk, giống như những gì đã từng xảy ra ở Golden Age và Nhật Thực. Hẳn rằng ông đã vui khi thấy Guts đang tự tay quyết định số phận của anh ta, thay vì nghe theo vị Chúa Trời của Berserk hay chính ông sắp đặt. 30 năm dài, Miura hẳn đã sắp xếp cho một cái kết tuyệt vời nhất, dù là bi kịch hay có hậu cũng đều tuyệt vời. 30 năm trước, Berserk đầy đen tối. 30 năm sau, Berserk đã nhìn thấy ánh sáng trên đảo loài Tiên.
Nhưng giờ thì Miura đã không còn. Tự tay ông không thể kết thúc Berserk. 30 năm đánh đổi cuộc đời của ông cho một giấc mơ đã không đi tới kết cục trọn vẹn. Cuộc đời Guts trong thời khắc này còn bi thảm hơn cả Turin Turambar. Ít nhất thì Turin đã được chết như mong muốn, còn Guts thì vẫn mắc kẹt trên con đường báo thù vô tận. Ít nhất thì Turin đến cuối vẫn được Niennor yêu thương, còn Guts thì không biết ngày nào mới lại có tình yêu của Caska. Ít nhất thì trong một tương lai xa xăm, Turin có thể tự tay đâm thanh Gurthang xuyên thủng ngực chúa tể bóng tối Morgorth, còn Guts chẳng biết ngày nào mới có thể chạm tới Griffith. Cuộc đời Guts dang dở, giấc mơ của Miura cũng dang dở.
Buồn cho Berserk không thể thấy hồi kết hoặc không có hồi kết trọn vẹn. Buồn nhiều hơn cho một con người dám đánh đổi tất cả cho một giấc mơ dang dở. Buồn cho một người nghệ sĩ tận tâm, tận lực, vẫn trung thành những lối sáng tác truyền thống. Buồn cho câu chuyện về một con người bình thường chống lại các vị thần nhưng không có điểm dừng.
30 năm dài rồi không thể tự kết thúc được những gì mình tạo ra, còn gì buồn hơn thế?"
Không có nhận xét nào: