Ads Top

Tiết học của Flora #9: Skull Knight và vị vua huyền thoại Gaiseric

Dựa vào lời giới thiệu về hồi truyện 362 mà chúng ta đã biết, rất nhiều khả năng quá khứ của một trong những nhân vật quan trọng nhất tác phẩm – Skull Knight, sẽ được vén màn. 

Dù cho Skull Knight lần đầu xuất hiện trong Berserk từ tận đoạn cuối của tiểu phần Thời Đại Hoàng Kim, song phong thái bí ẩn, hành tung khó lường của nhân vật này luôn khiến nhiều thế hệ độc giả không ngừng thắc mắc, tò mò không biết thân thế thực sự của chiến binh này là gì. 

Kentarou Miura - một người ưa thích sắp xếp những chi tiết ẩn, cũng đã cài cắm, rải rác nhiều chi tiết mà nếu tìm tòi chắp nối và phân tích, chúng ta có thể đưa ra được một dự đoán khá hợp lý về danh tính của Skull Knight: Chiến Binh Đầu Lâu chính là vị vua Gaiseric huyền thoại – người từng trị vì vương quốc mà vùng đất Midland khi ấy được coi là thủ phủ.

Trước tiên, hãy nhớ lại câu chuyện lịch sử mà công chúa Charlotte từng kể với nhóm giải cứu Griffith khi họ đột nhập thành công vào Tháp Tái Sinh thuộc hồi truyện 53 

Tuy đây chỉ là một truyền thuyết truyền miệng, nhưng ta có thể thấy sự quen thuộc phảng phất trong từng lời kể. Trong giáo lý mô phạm của Toà Thánh, “thiên thần” luôn là từ ám chỉ đến các God Hand – chúa quỷ của thế giới này. Sự tuyệt diệt đầy bất ngờ với quy mô lớn của thủ đô vương quốc Gaiseric trị vì cũng rất có thể là hậu quả của những nghi lễ hiến tế từng diễn ra trong Berserk. Trong Nhật thực lần thứ năm, cả một vùng hồ rộng lớn (mà sau này Toà Thánh gọi là hồ đỏ) nơi biên giới Midland đã trở thành mồ chôn những chiến binh Quân Đoàn Chim Ưng. Ngay sau Lễ Nhập Thể ở Tháp Phán Xét, trung tâm thành phố Albion đã lập tức biến thành một đống đổ nát do tác động của làn sóng linh hồn u uất. 

Vậy thì thành đô kỳ vĩ của Gaiseric bị huỷ diệt cũng có thể là bởi nơi đây từng diễn ra Lễ Hiến Tế, thậm chí còn là Nhật thực không chừng. Truyền thuyết về sự diệt vong của đế chế do vua Gaiseric trị vì được lan truyền từ mốc thời gian “khoảng một nghìn năm trước”, con số mà trùng hợp thay, lại khớp với khoảng thời gian sự kiện Nhật thực đầu tiên diễn ra. Cứ khoảng 216 năm, một Nhật thực lại xảy ra đón chào sự ra đời của một God Hand mới. Nhật thực thứ năm đã khai sinh ra God Hand cuối cùng là Femto. Vậy nếu tính theo quy luật 216 năm kia, cách đây 864 năm - gần 1000 năm, Nhật thực đầu tiên đã diễn ra.

Dĩ nhiên con số này không khớp 1000 năm, cũng có nghĩa là có thể Nhật thực đầu tiên diễn ra hơn 1000 năm trước, và phải mất 2 lần 216 năm thì Nhật thực thứ hai mới xuất hiện. Cũng có thể, sau Nhật thực đầu tiên, một điều gì đó đã xảy ra, tạo nên khoảng thời gian trống những 216 năm kia. Nhưng đó sẽ là câu chuyện vào một ngày khác.

Trở lại với vấn đề chính, sự trùng hợp này chắc chắn không thể là ngẫu nhiên, mà đây phải là toan tính sẵn có của Kentarou Miura. Ta có thể rút ra một giả thuyết: Khoảng một nghìn năm trước, Nhật thực đầu tiên diễn ra với vật hiến tế là Gaiseric và cả thủ phủ của ông ta, còn kẻ hiến tế chính là “thiên thần” trong những câu chuyện kể. Hậu quả của sự kiện này là chúng ta không còn thấy bất cứ dấu vết nào của thành phố ấy, cho đến khi Griffith đã tạo ra Falconia - thủ phủ của tân thế giới, nơi dường như sinh ra từ nền tảng của thành phố đã bị hủy diệt.

Giả thuyết này càng có cơ sở hơn khi ở dưới đáy của Tháp Tái Sinh, chúng ta từng được nhìn thấy những bộ xương vẫn còn bị khắc lên mình Dấu ấn hiến tế giống như Guts, Casca và những thành viên khác của Quân Đoàn Chim Ưng. Dựa trên giả thuyết này, không có gì bất ngờ nếu nói vua Gaiseric và God Hand có một mối thù sâu sắc.

Nhưng tại sao lại là “năm thiên thần”? 

Nếu cứ 216 mới có một thành viên mới trong hàng ngũ God Hand thì cách đây một nghìn năm, sẽ chỉ có duy nhất một “thiên thần” thôi mà, phải không? Chính xác là như vậy. Sự kiện Nhật thực đầu tiên khai sinh ra “thiên thần hộ mệnh” đầu tiên – God Hand đầu tiên, chứ chưa hề có những Ubik, Conrad, Slan và lại càng không thể có Femto. Muốn giải thích cho chi tiết tưởng chừng như “plot hole” này, ta phải đến với một phiên bản khác về câu chuyện của Gaiseric.

Cụ thể, trong hồi truyện 138, ở Tháp Phán Xét, Mozgus có kể rằng: “Tương truyền rằng khi xưa, toà tháp này từng là nơi đức vua tối cao Gaiseric tống giam một vị hiền nhân. Vị hiền nhân ấy không ngừng cầu nguyện và kể lại những tội lỗi mà nhà vua mắc phải với Chúa trời giữa những buổi tra tấn đẫm máu đến không thể tưởng tượng nổi, cho đến khi một vị thiên thần đã thân chinh giáng trần, trừng phạt nhà vua.”

Trong câu chuyện này, chỉ có duy nhất một thiên thần giáng trần chứ không phải bốn hay năm như phiên bản của Judeau. Những câu chuyện này đều được truyền qua nhiều đời, cho nên ắt hẳn sẽ xuất hiện nhiều dị bản khác nhau cho dù chúng có kể về cùng một chủ đề. Chính vì vậy mà ngay ở cuộc trò chuyện của nhóm giải cứu Griffith, Judeau thì nhớ câu chuyện của mình có “năm thiên thần”, Casca lại nhớ là “bốn thiên thần” còn Mozgus – một kẻ mộ đạo trực tiếp làm việc cho Toà Thánh, lại kể rằng chỉ có “một thiên thần” mà thôi. Năm thiên thần là dị bản tựa như lời tiên tri, đề cập đến số lượng thành viên hoàn chỉnh của God Hand – năm chúa quỷ. 

Bốn thiên thần là dị bản xuất hiện sau Nhật thực thứ tư, khi bốn God Hand đã tề tựu và cùng nhau chờ đợi nhân tố thứ năm và cũng là thành viên quan trọng nhất – Femto. Còn con số một thiên thần rất có thể là phiên bản gần với sự thật nhất, vì nó được kể từ lời của một kẻ sùng đạo, kẻ luôn nuốt bất cứ giáo lý nào được dạy và luôn cầm cuốn “kinh thánh” như thể nắm đôi bàn tay ấm áp, yểu điệu của người yêu. Và hơn nữa, “một thiên thần” sẽ là con số hoàn hảo khi ghép vào truyền thuyết mà Charlotte và Judeau đã nhắc đến.

Ngoài ra, "bốn thiên thần" cũng có thể ám chỉ đến Tứ Vương mà Schierke từng triệu hồi trong quá khứ. Liệu có phải bằng một cách nào đó, vị hiền nhân kia đã không chỉ trở thành God Hand, mà còn triệu hồi cả Tứ Vương đến thế giới loài người? Nhưng vốn như ta đã biết, Tứ Vương rất yêu quý con người. Vậy câu chuyện có thể là để chống trọi lại với vị hiền nhân, Gaiseric cùng đồng minh của mình (Flora - sư phụ của Schierke) đã phải triệu hồi "bốn thiên thần"?

Nhưng tại sao mình lại cho rằng Skull Knight chính là vua Gaiseric?

Truyền thuyết đã kể lại rằng vua Gaiseric luôn ra trận với chiếc mũ có hình đầu lâu – một biểu tượng huyền thoại đã gắn liền với vị chiến binh xương xẩu của chúng ta. Hình dạng đầu lâu cũng như cái tên của Skull Knight cũng nói lên đặc điểm đặc trưng của vị chiến binh này. Ở hồi truyện 80, Nosferatu Zodd cũng từng gọi Skull Knight là kẻ thù của những Tông đồ trong suốt một thiên niên kỉ quả. Điều này đồng nghĩa rằng Skull Knight bắt đầu săn đuổi Tông đồ cùng God Hand từ khoảng một nghìn năm về trước. Con số này, một lần nữa, lại khớp với khoảng thời gian mà truyền thuyết kể về Gaiseric, cũng như trùng với thời điểm Nhật thực đầu tiên diễn ra. Ngoài ra, chính bản thân Skull Knight cũng nhận mình là kẻ thù của ác quỷ, là đồng minh của con người. Điều này lại giống với những suy đoán logic mà mình đã nhắc ở phía trên, vua Gaiseric mất tất cả vì God Hand, nên ắt hẳn ông ta cũng phải thù ghét những chúa quỷ rồi, đúng không?

Skull Knight cũng rất nhiều lần được hội những người sống lâu vài trăm tuổi gọi là vua. Ở hồi truyện 220, khi Skull Knight can thiệp vào trận chiến giữa Slan và Guts tại Qliphoth, ả God Hand đã gọi vị chiến binh đầu lâu là “bệ hạ”. Và ngay mới đây thôi, ở hồi 361, Gedflynn cũng gọi Skull Knight là “bệ hạ” trước khi tự sửa lời mình mà gọi ông đúng với biệt danh thường được dùng. Không chỉ vậy, chúng ta còn được biết rằng Gedflynn đã nhiều lần “tiếp kiến” Skull Knight. Ngay cả vị thợ rèn người lùn huyền thoại Hanarr cũng đằng thẳng gọi Skull Knight là “vua” chỉ sau khi Gedflynn lỡ lời có chút ít

Vị chiến binh đầu lâu của chúng ta cũng từng trực tiếp xác nhận ông là người sống giữa hai cõi giới như Guts và đồng thời là chủ nhân trước kia của Bộ Giáp Cuồng Nộ – lý do vì sao ông lại hiểu rõ về tác dụng phụ của bộ giáp đến thế.

 Ở hồi 237, sau câu hỏi của Schierke, Skull Knight đã thừa nhận mình từng sử dụng nó để chiến đấu khi còn là con người: “Cô bé khá thông minh, đúng như những gì ta mong đợi từ học trò cưng của vị Phù thuỷ trông coi rừng cây linh hồn. Phải. Bộ giáp ấy đúng là thứ ta đã từng khoác lên mình. Đó là câu chuyện từ một quá khứ rất xa xăm, khi chúng ta cùng sống trong quy luật của dòng chảy thời gian.”. Và bộ giáp ấy, trước khi Guts sử dụng và biến đổi hình dạng sang hình con chó săn, thì nó có hình đầu lâu.

Ở hồi truyện 203, Flora cũng từng ám chỉ Guts và Skull Knight đều là những “kẻ tranh đấu”, cụ thể rằng Guts là hậu bối của Skull Knight, trong đó Guts đang đi theo con đường mà người bạn của bà, Skull Knight, từng bước đi trong quá khứ.

Tất cả những chi tiết trên đều ngầm khẳng định Skull Knight chính là danh xưng mà vị vua huyền thoại Gaiseric sử dụng sau khi ông trở thành vật hiến tế cho God Hand đầu tiên.

Tới đây, giả thuyết hoàn chỉnh về câu chuyện của Skull Knight sẽ là: Hơn một nghìn năm trước, Void (vị hiền nhân được nhắc đến trong lời kể của Mozgus, lý do vì sao mình cho rằng Void là God Hand đầu tiên thì mình sẽ đề cập trong một bài viết khác) đã hiến tế Gaiseric và cả thành phố mà Gaiseric đặt làm thủ phủ để có thể tái sinh thành God Hand đầu tiên. Cả thành phố nhanh chóng bị tàn sát và tàn phá đến nỗi không còn chút dấu vết nào trừ những xác chết ở dưới Tháp Tái Sinh. Nhưng cũng giống như Guts, vua Gaiseric đã tranh đấu trong cơn tuyệt vọng điên cuồng, và rồi ông may mắn thoát khỏi cái chết. Từ đó, Gaiseric không ngừng ẩn khuất trong bóng đêm, cưỡi con ngựa xương để săn đuổi các tông đồ, tìm cách hạ gục God Hand trong những “giao lộ thời gian”. Ông từ bỏ cái tên cũ và dần được những kẻ khác gắn cho cái danh xưng “Skull Knight”.

Trong một thời điểm nào đó (có thể là trước Nhật thực kia, hoặc sau), Hanarr đã chế tạo cho Skull Knight Bộ Giáp Cuồng Nộ để giúp ông chiến đấu với những kẻ thù ngày càng hùng mạnh và khó lường hơn. Nhưng bộ giáp lại là con dao hai lưỡi, khi sức mạnh to lớn mà nó ban cho chủ nhân sẽ đi kèm với những hậu quả tồi tệ chẳng kém. Ông không thể giữ mình trước phần bóng tối của mình, để bộ giáp chiếm hữu và chiến đấu trong cuồng nộ đến mức chết vì mất máu trong sự kiện đặc biệt xảy ra trong ký ức mà Guts được trải nghiệm. Để cứu sống Skull Knight, Hanarr đã làm nên bộ giáp hiện tại mà vị chiến binh sử dụng. Flora có lẽ cũng "nhúng chàm" trong nhiệm vụ hồi sinh Gaiseric, khiến bà trực tiếp phạm phải một điều cấm kỵ nào đó rồi bị đuổi khỏi Elfhelm. Bộ giáp mới này là thứ chứa đựng và duy trì linh thể hoặc một thứ gì đó tương tự của Skull Knight, giúp ông tiếp tục chiến đấu còn cơ thể người phàm của ông đã bị bộ giáp kia phá huỷ hoàn toàn. Skull Knight quyết định giao Bộ Giáp Cuồng Nộ nguy hiểm cho người bạn của mình, người mà ông tin tưởng hơn cả, là phù thuỷ Flora, cất giữ cho đến khi Guts trở thành người thừa kế bộ giáp ấy.

Ở hồi truyện 142, Puck từng có cảm nhận rằng Skull Knight khiến cậu nhớ đến loài tiên. Trước đây nhiều người đã đặt ra giả thuyết Skull Knight là vua Tiên nên Puck mới có cảm giác ấy. Tuy nhiên ta đều đã biết chúa tể loài Tiên thực chất là Danann. Do đó có lẽ Puck cảm thấy Skull Knight giống tiên là vì ông có một mối quan hệ mật thiết đến Elfhelm (như từng ghé thăm nhiều lần trong quá khứ), hoặc là do khi Skull Knight hấp hối, Danann và Hanarr đã cùng nhau giúp linh thể của Skull Knight trú ngụ trong vật chứa là bộ giáp hiện tại, chính phép thuật của Danann hoặc sự tồn tại “lơ lửng” của ông bây giờ đã khiến ông có “mùi” giống tiên chăng? Ngoài ra, người lùn như Hanarr cũng thuộc giống tiên, nên việc Skull Knight có "mùi tiên" cũng rất dễ hiểu.

Trong hồi truyện 362, Miura quả thực đã đưa độc giả về với quá khứ của cả nghìn năm trước, để cùng Guts trải nghiệm những khoảnh khắc quá vãng của Skull Knight do Bộ Giáp Cuồng Nộ lưu lại.

Câu thoại ở cuối hồi của Skull Knight đã trực tiếp khẳng định Skull Knight từng là "Vua", gián tiếp chứng minh Skull Knight từng là Gaiseric: "Những gì ngươi vừa chứng kiến chính là đoạn kết của một vị vua khờ dại và cũng là bình minh bắt đầu những đêm dài lang thang không hồi kết của một kẻ đã chết.

Sắp tới, rất nhiều khả năng Kentarou Miura sẽ vén màn bí ẩn về thân thế của Skull Knight thông qua Bộ Giáp Cuồng Nộ. Do đó, mình hy vọng giả thuyết này sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn cảnh hơn về Skull Knight, đồng thời xây dựng, hoàn thiện một giả thuyết hợp lý nhất có thể nhằm chờ đợi sự xác nhận của Kentarou Miura, hoặc chí ít là có thêm những manh mối tiếp theo về quá khứ của Chiến Binh Đầu Lâu mà chúng ta đều yêu mến này.

Không có nhận xét nào: